Bất cứ ai đến Nha Trang cũng không khỏi trầm trồ khen ngợi về vẻ đẹp kì diệu mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây. Vịnh Nha Trang được ví như “hòn ngọc viễn đông” và được bình chọn là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Nha Trang đi vào thơ ca, nhạc hoạ với nét đẹp dịu dàng ngay từ tên gọi của nó. Vẻ đẹp của Nha Trang khiến nhiều vịnh biển khác phải ghen tị bởi thiên nhiên đã quá ưu ái khi ban tặng cho nơi đây tất cả những gì mà một vùng duyên hải có thể có: từ những bãi tắm với dải cát trắng mịn trải dài đến những hòn đảo ngoài khơi đẹp ngỡ ngàng, từ những rặng san hô kì ảo dưới lòng đại dương tới những ngôi đền Chăm rêu phong cổ kính trên núi…Du khách đến đây thật ấn tượng với những cái tên như Hòn Tằm, Hòn Tre, Đảo Yến…
Nằm chếch về phía Đông xa tít, cách Cầu Đá chừng 13 hải lý (tương đương 24km), Hòn Nội và Hòn Ngoại là hai cụm đảo trong số 12 đảo có chim yến làm tổ. Từ cảng Cầu Đá theo con tàu đáy kính, du khách phải mất khoảng 1 giờ 15 phút để đến với Hòn Nội, nơi du khách được phép lên đảo thỏa thích khám phá và tìm hiểu đời sống của loài chim “nhả ra vàng”. Xa hơn là Hòn Ngoại trông như chiếc nón lật úp giữa biển khơi, nơi tập trung rất nhiều yến và tổ yến nhưng ở đây du khách chỉ được ở dưới tàu để quan sát và chụp ảnh do địa hình hiểm trở và chưa được đưa vào khai thác du lịch
Tuy tour tham quan đảo Yến mới chỉ được đưa vào khai thác từ những năm đầu thiên niên kỷ mới nhưng việc phát hiện và khai thác tổ yến đã có một lịch sử dài hơn. Ngay từ năm 1328 khi thuyền của Đề đốc Lê Văn Đạt (thời nhà Trần) bị bão dạt vào Hòn Tre, thì liền sau đó chính ông đã lập ra thôn Bích Đầm và tìm thấy các đảo có chim yến làm tổ, mở ra nghề khai thác yến sào tại Khánh Hòa. Hiện trên Hòn Nội còn một ngôi đình thờ tổ nghiệp thờ Lê Thị Huyền Trâm là hậu duệ của Đề đốc Lê Văn Đạt, một nữ Đại đô đốc của nghĩa quân Tây Sơn được người dân địa phương xưng tụng “Bảo Yến đảo chủ”.
Tham quan đảo Yến thuận tiện nhất là từ tháng 3 lúc thời tiết còn hanh khô đến tháng 9 trước khi mùa mưa về, nhưng cũng còn một lý do khác là trong những tháng còn lại đảo đóng cửa để công nhân khai thác tổ yến theo định kỳ. Đặt chân lên Hòn Nội là du khách đã đặt chân lên lãnh địa của loài chim yến. Từ đây, theo chiếc cầu gỗ hẹp dài ngoằn ngoèo ôm theo vách đá, các công nhân chăm sóc và bảo vệ hang yến sẽ hướng dẫn từng du khách bước lên các bậc đá thật cẩn trọng. Khi đã đến mé cửa hang thì dừng lại bởi trong kia giữa các khe núi dài và hẹp là những chiếc tổ yến quý giá màu trắng đục đã thấp thoáng hiện ra, du khách phải vận dụng đủ mọi cách để cố quan sát và đôi khi cũng phải biết né người “tương kính như tân” trước các vị chủ nhân từ trong hang bay ra hay vừa đi kiếm ăn trở về.
Nếu biển Nha Trang đã từng nổi tiếng với những bờ cát dài trắng mịn thì tại Hòn Nội lại có một bãi tắm độc đáo với hai mặt tiếp giáp biển. Những người thích đương đầu cùng sóng gió có thể thỏa sức vẫy vùng ở mặt biển phía Đông hướng ra Hòn Ngoại, còn những ai thích sự mơn trớn vỗ về của những đợt sóng lăn tăn lại rất dễ hài lòng với mặt biển ở phía Tây. Đã đến đây du khách cũng đừng quên ghé thăm ngôi đền thờ tổ nghề yến được người dân xây dựng để tỏ lòng tri ân các vị tiền hiền đã có công khai thác nguồn lợi từ đại dương xa thẳm và hôm nay con cháu được kế thừa một nguồn thu nhập ổn định. Du khách có thể leo lên Vọng hải đài trên đỉnh ngọn Du Hạ để trải rộng tầm mắt ngắm biển bao la hay quan sát những chú Hải âu chao liệng với những cú săn bắt mồi thật tinh quái nhưng cũng đầy hiệu quả.
Sau khi đã thỏa thuê khám phá và vẫy vùng tại Hòn Nội, du khách hãy lên tàu để dạo một vòng quanh đảo. Con tàu đáy kính giờ đây mới phát huy tác dụng, giúp du khách quan sát một thế giới lung linh kỳ ảo của các rạn san hô và đời sống dưới đại dương. Tham quan đảo Yến quả là một trải nghiệm lý thú khi du khách vừa được bồng bềnh trên biển thử thách sức chịu đựng, lại vừa được chiêm ngắm những điều kỳ diệu của thiên nhiên, cả trên trời cũng như dưới biển…, một cơ hội tuyệt vời như vậy ắt sẽ đọng lại trong ký ức nhiều kỷ niệm khó quên.